Cùng lúc, hai trong số các nhà xuất khẩu dầu thực vật lớn nhất hành tinh bỗng gặp rắc rối, làm dấy lên một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trên bàn ăn của người dân trên khắp thế giới.
Người dân bỗng phải ăn đồ luộc
Đầu tiên là đại dịch COVID-19, sau đó là chiến sự Nga – Ukraine. Giữa lúc dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các mặt hàng thiết yếu, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine lại làm gián đoạn thêm nguồn cung cấp lương thực quan trọng.
Vô hình trung, giá cả các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là dầu ăn trong các siêu thị trên toàn cầu, đều tăng cao. Giá dầu thực vật đã đạt đỉnh vào tháng 2, sau đó tăng thêm 23% vào tháng 3, theo dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Trong đó, giá dầu đậu nành – từng được bán với mức 765 USD/tấn vào năm 2019, đạt trung bình 1.957 USD/tấn trong tháng 3 năm nay. Giá dầu cọ nhảy vọt hơn 200% và có khả năng tăng cao hơn sau lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia.
Siêu thị Tesco ở Anh giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua ba bình dầu ăn.
Nhiều người bán hàng rong ở miền nam Ấn Độ đã phải loại bỏ các món ăn vặt chiên giòn làm từ đậu lăng như vadas và pakoras ra khỏi thực đơn và thay vào đó bằng các món hấp như idlis, SCMP thông tin.
Trong khi đó, theo hãng tin NPR, nhiều tháng qua, nhà hàng Tarihi Balikca ở Istanbul đã cố gắng “tự hấp thụ” mức tăng của dầu hướng dương mà các đầu bếp sử dụng để chiên cá, mực và trai.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 4, khi giá đã tăng gần 4 lần so với năm 2019, nhà hàng cuối cùng phải nâng giá bán. Giờ đây, ngay cả một số khách hàng lâu năm cũng lặng lẽ nhìn thực đơn rồi bỏ đi.
Anh Mahsun Aktas, nhân viên phụ vụ kiêm đầu bếp tại nhà hàng, cho hay: “Chúng tôi đã cố. Mọi người thầm nghĩ, ‘Hãy đợi một chút, giá cả sẽ dịu bớt’. Nhưng cuối cùng không có chuyển biến tích cực nào. Khách hàng không thể chi tiêu thoải mái như trước”.
Khi đang xem giá trong một siêu thị ở Harare (Zimbabwe), Glaudina Nyoni cho biết: “Chúng tôi sẽ phải luộc mọi thứ, chẳng còn có thể chiên rán đồ ăn như xưa”.
Tại Zimbabwe, giá dầu thực vật đã tăng gần hai lần kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Một chai dầu 2 lít bây giờ tốn đến 9 USD (tương đương hơn 200.000 đồng), theo Washington Post.
Doanh nghiệp cũng điêu đứng
Các chuỗi siêu thị ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ cùng nhiều quốc gia khác đã hạn chế lượng dầu ăn mà mỗi khách hàng có thể mua, đôi khi động thái này được mô tả là nhằm phòng ngừa trước nhu cầu gia tăng.
Người mua sắm ở Đức đã đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh về các kệ hàng siêu thị trống trơn, nơi thường có dầu hướng dương và dầu hạt cải. Người tiêu dùng tại Anh cũng gặp tình cảnh tương tự.
Trong một tweet gần đây, công ty điện lực chính của Kenya thì cảnh báo rằng những tên trộm đang hút chất thải độc hại từ các nhà máy sản xuất điện trong nước và rao bán đây là dầu ăn.
Không chỉ siêu thị, các công ty khác cũng đang cảm nhận thiệt hại. Unilever – nhà sản xuất xà phòng Dove và mayonnaise Hellman’s, cho biết họ có hợp đồng cho các thành phần quan trọng như dầu cọ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, hãng vừa cảnh báo các nhà đầu tư rằng chi phí có thể tăng đáng kể trong nửa cuối năm.
Cargill, một gã khổng lồ thực phẩm toàn cầu, cho biết để thích ứng với tình huống mới, các khách hàng của tập đoàn đang thay đổi công thức và thử nghiệm nhiều loại dầu khác nhau. Điều đó có thể khá khó khăn vì mỗi loại dầu có đặc tính khác nhau, ví dụ như dầu oliu sôi ở nhiệt độ thấp hơn dầu hướng dương, trong khi dầu cọ nhớt hơn.
Tại sao nên cớ sự?
Hai trong số ba thị trường xuất khẩu dầu ăn chính đang chìm trong hỗn loạn, cụ thể là dầu hướng dương từ Ukraine và dầu cọ từ Indonesia.
Cuộc tấn công của Nga đã tàn phá nhiều thành phố, nhà cửa, bệnh viện và trường học của Ukraine – “ổ bánh mì” của châu Âu. Nền nông nghiệp của đất nước Đông Âu cũng không thoát khỏi chiến sự. Do đó, nông dân Ukraine khó mà thu hoạch mùa màng hay gieo trồng mùa vụ mới.
Cùng nhau, Ukraine và Nga chiếm khoảng 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu. Giờ đây, hàng triệu tấn dầu hướng dương đang bị mắc kẹt ở Ukraine, khiến các khách hàng nước ngoài phải chật vật tìm kiếm nguồn cung dầu thực vật thay thế.
Indonesia – nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, vừa thông báo hồi tuần trước rằng họ sẽ cấm xuất khẩu dầu ăn. Động thái này được cho là nhằm đối phó với tình trạng siết chặt nguồn cung dầu ăn sau khi Nga động binh với Ukraine.
Thậm chí, Indonesia vốn đã phải vật lộn với vấn đề thiếu hụt dầu cọ trong nước từ trước và áp lực này đang đè nặng lên chính phủ của Tổng thống Joko Widodo. Đầu tháng 4, sinh viên đã xuống đường để phản đối việc lạm phát gia tăng cũng như tin đồn rằng ông Jokowi sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba.
Suy cho cùng, việc các nhà nhập khẩu đổ xô mua dầu thực vật để đảm bảo cho tiêu dùng và kinh doanh đang kéo giá trên thị trường toàn cầu lên cao. Đồng thời, các nhà xuất khẩu lớn cũng phải tìm cách “chừa phần” cho người dân trong nước, càng thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Ông James Fry, Chủ tịch hãng tư vấn hàng hóa LMC International, chia sẻ với Reuters: “Quyết định của Indonesia không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ mà còn tác động đến thị trường dầu thực vật trên toàn thế giới”.
“Chính sách này được ban hành khi hàng triệu tấn dầu xuất khẩu của các nước khác đang trục trặc: dầu đậu nành ở Nam Mỹ gặp hạn hán; dầu hạt cải ở Canada cũng đối mặt hạn hán; và dầu hướng dương bị vạ lây bởi chiến sự Nga – Ukraine”, ông Fry liệt kê.
Tình hình khó có thể cải thiện ít nhất là cho đến cuối mùa hè năm nay, khi thị trường có thêm một lượng dầu hạt cải để mua, ông Gary Lewis thuộc nhà nhập khẩu dầu ăn KTC Edibles nhận định.
Ngoài ra, thị trường cũng có thể sẽ có thêm một số dầu hướng dương của Liên minh châu Âu (EU) và Argentina trong vài tháng tới, dù nguồn cung vẫn còn hạn chế, theo ông Lewis.